Thiết nghĩ để trả lời câu hỏi: “Nên hay không nên nghe nhạc đời?”, ta sẽ xét trên 3 yếu tố chính: 1. Mục đích; 2. Thể loại/phong cách âm nhạc; 3. Nội dung.
1. Mục đích:
Âm nhạc được tạo ra chỉ để thờ phượng Chúa, hay Đức Chúa Trời cũng định ra âm nhạc để giải trí, xoa dịu con người?
Vị nhạc sĩ, nhạc công nổi tiếng nhất trong Kinh Thánh là vua Đa-vít đã dùng âm nhạc chủ yếu cho việc thờ phượng Chúa (Thi thiên 4:1; 6:1, 54, 55; 61:1; 67:1; 76:1). Tuy vậy, khi vua Sau-lơ bị ác thần hành hạ, ông gọi Đa-vít đến chơi đàn hạc (Harp, Hạc cầm) để xoa dịu tinh thần (I Sa-mu-ên 16:14-23)
Người Do Thái cũng dùng nhạc cụ để cảnh báo nguy hiểm (Nê-hê-mi 4:20), khiến kẻ thù kinh sợ (Các quan xét 7:16-22). Trong Tân Ước, Sứ đồ Phao-lô hướng dẫn Cơ đốc nhân khích lệ nhau bằng âm nhạc: “Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau” (Ê-phê-sô 5:19). Do đó, không chỉ để thờ phượng, Kinh Thánh cũng cho phép âm nhạc dùng cho mục đích khác.
2. Thể loại/phong cách âm nhạc:
Thế nhưng thể loại, phong cách âm nhạc lại thường gây chia rẽ giữa vòng Cơ đốc nhân. Nhiều người thích các bài Thánh Ca truyền thống du dương, êm đềm; người thích nhạc thờ phượng mới; không ít người cho rằng nhạc thờ phượng tốt nhất nên theo kiểu nhạc rock…
Tuy nhiên, những khác biệt này nên được xem là sở thích cá nhân, là khác biệt văn hóa, một số người tuyên bố âm nhạc chỉ nên bám theo Kinh Thánh, còn tất cả các loại khác là không lành mạnh, không tin kính, thậm chí thuộc về ma quỷ.
Không chỗ nào trong Kinh Thánh lên án bất cứ thể loại âm nhạc cụ thể nào. Lời Chúa đề cập rất nhiều loại nhạc cụ bằng dây, nhạc khí thổi, trống và các loại nhạc cụ gõ (Thi thiên 68:25; Ê-xơ-ra 3:10); không có cơ sở để tuyên bố bất cứ thể loại âm nhạc nào là không tin kính hay ngoài ý muốn của Chúa.
3. Nội dung:
Cả mục đích lẫn thể loại âm nhạc đều không quyết định liệu Cơ đốc nhân có nên nghe ‘nhạc đời’ hay không, nội dung ca từ cần được xem xét… Và Phi-líp 4:8 là một hướng dẫn xuất sắc: “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chơn thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến”.
Nếu nghĩ về những điều như vậy, chắc chắn ta sẽ đem vào tâm trí mình qua âm nhạc, lời ca. Ca từ của ‘nhạc đời’ nếu chân thật, đáng tôn, công bình, thánh sạch, đáng yêu chuộng, có tiếng tốt, có nhân đức và đáng khen? Nếu vậy thì không có gì sai cho Cơ đốc nhân nghe nhạc đời có nội dung như thế.
Tuy nhiên, phần nhiều nhạc đời không đáp ứng tiêu chuẩn đó. Nhiều bài đề cao sự phóng túng, phóng đãng, bạo lực; hay ủy mị, buồn rầu, rên rỉ, khóc than, tiêu cực… xem thường hoặc không để ý, phớt lờ sự thanh khiết, công bình, chính trực. Nếu một bài hát ca ngợi những thế lực, những cá thể chống Chúa, Cơ đốc nhân không nên nghe.
Nhiều bài ‘nhạc đời’ không đề cập đến Chúa hay Kinh Thánh, nhưng vẫn tán thành, ca ngợi những giá trị tin kính như tình yêu chân thật, tình bạn, sự chính trực… những bài tình ca đề cao sự thiêng liêng của hôn nhân, sự thánh khiết của tình yêu… vẫn có thể được thưởng thức, trân trọng.
Bất cứ điều gì con người cho phép đi vào, chiếm chỗ trong tâm trí mình, sớm hay muộn nó sẽ quyết định lời nói, hành động của họ. Phi-líp 4:8, Cô-lô-se 3:2,5 thiết lập mô hình suy nghĩ lành mạnh; II Cô-rinh-tô 10:5 khuyên ta nên “bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Christ”… mỗi câu Kinh Thánh đưa ra một bức tranh rõ ràng về thể loại âm nhạc mà ta không nên nghe.
Vậy nên, rõ ràng thể loại âm nhạc tốt nhất là ngợi khen, làm vinh hiển danh Chúa. Các nhạc sĩ Cơ đốc tài năng có mặt gần như ở mọi thể loại âm nhạc, từ cổ điển đến rock rap, reggae (một thể loại nhạc pop hiện đại)… Không có gì sai đối với bất cứ phong cách âm nhạc cụ thể nào, nhưng chính lời ca mới quyết định bài hát đó “có thể chấp nhận được” hay không đối với Cơ đốc nhân.
Tóm lại bất cứ điều gì dẫn dắt bạn đến chỗ nghĩ về, bị thu hút vào điều gì đó không làm vinh hiển Chúa, nó nên được tránh đi.
Ban Truyền thông Phúc Âm toàn vẹn VN
(Nguồn: GotQuestions I Ảnh: Pixabay, ThaoPham)